Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ

THỦ TỤC GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ
1. Việc dân sự thuộc thẩm quyền của tòa án
Các việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án bao gồm những yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
1.1. Xác định những yêu cầu về dân sự
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS ( Điều 26)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.
• Giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
• Giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
• Giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết.
• Giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
• Giải quyết các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật có quy định.
* Chú ý: “yêu cầu khác” phải được quy định tại một văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam có hiệu lực hoặc trong một điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
1.2. Xác định những yêu cầu về hôn nhân và gia đình
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS ( Điều 28)
• Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của HĐTP TANDTC (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 01/2005) (mục 7, phần I)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
* Giải quyết yêu cầu huỷ kết hôn trái pháp luật.
* Giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
• Giải quyết yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
• Giải quyết yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
• Giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
• Giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
• Giải quyết các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.

1.3. Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 30)
• BLTTDS (Điều 340)
• Pháp lệnh Trọng tài Thương mại Việt Nam
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Giải quyết yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại (Điều 340 BLTTDS).
- Chỉ định, thay đổi, Trọng tài viên;
- Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Hủy quyết định trọng tài;
- Các việc dân sự khác mà pháp luật về Trọng tài thương mại Việt Nam có quy định.
• Giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
• Giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.
• Giải quyết các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.
1.4. Những yêu cầu về lao động
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 32)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
• Giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định lao động của Trọng tài nước ngoài.

2. Quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự
2.1. Pháp luật áp dụng
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 189)
• BLTTDS (Điều 311 )
• BLTTDS (Chương XX)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Áp dụng những quy định tại chương XX «Quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự» của BLTTDS.
• Áp dụng các quy định khác của BLTTDS không trái với các quy định của Chương XX (Điều 311 BLTTDS).
• Cần hiểu là, những quy định tại Chương XX được ưu tiên áp dụng để giải quyết việc dân sự; những vấn đề chưa được quy định cụ thể tại Chương XX thì được áp dụng các quy định khác của BLTTDS để giải quyết việc dân sự.
• Khi áp dụng các điều khoản tương tự của BLTTDS, cần phải viện dẫn cả Điều 311. Ví dụ: Khi ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết việc dân sự phải viện dẫn cả Điều 311 và Điều 189 BLTTDS.
2.2. Thụ lý việc dân sự
2.2.1. Đơn yêu cầu
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 312)
• BLTTDS (Khoản 2,3 Điều 127)
• BLTTDS (Khoản 2 Điều 130)
• Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (Mục 1,phần IV) .
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Thẩm phán cần kiểm tra đơn yêu cầu, hướng dẫn cho người nộp đơn có đơn yêu cầu đúng nội dung và hình thức quy định của pháp luật; nộp lệ phí đúng quy định:
• Nội dung đơn yêu cầu (Điều 312 BLTTDS).
• Lệ phí nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự (khoản 2 Điều 130; các khoản 2 và 3 Điều 127 BLTTDS
2.2.2. Xác định thời hiệu yêu cầu
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điểm b, khoản 3, Điều 159)
• BLTTDS (Điều 160)
• BLTTDS (Điều 360)
• BLDS (các điều từ Điều 163 đến Điều 171)
• Nghị quyết số 01/20005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của HĐTP- TANDTC (Điểm b, tiểu mục 2.1, mục 2, phần I).
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Thẩm phán phải kiểm tra về thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:
• Thời hiệu chung là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu (điểm b khoản 3 Điều 159).
• Nếu pháp luật có quy định riêng về thời hiệu đối với việc dân sự đó thì áp dụng quy định riêng (khoản 3 Điều 159).
Ví dụ: Thời hạn gửi đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nếu không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam là ba mươi ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định (Điều 360 BLTTDS).
• Quyền yêu cầu phát sinh trước 01/01/2005 thì hiệu lực tính từ ngày 01/01/2005 (Điểm b, tiểu mục 2.1, mục 2, phần I, NQ số 01/2005).
• Thời hiệu còn căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự (theo điều 160 BLTTDS)
2.2.3. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Các điều 33, 34, 35, 36)
• BLTTDS (Các điều 411 và 412)
• Nghị quyết số 01/20005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của HĐTP- TANDTC (điểm d, tiểu mục 1.1, phần I)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Phải xác định đúng thẩm quyền giải quyết việc dân sự, đặc biệt là thẩm quyền về cấp toà án. Ngoài các quy định chung phân biệt thẩm quyền giữa Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện (các điều 33, 34 BLTTDS) cần chú ý là các yêu cầu về công nhận hay không công nhận bản án, quyết định của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đều thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
• Cũng như việc giải quyết các vụ án dân sự, việc giải quyết các việc dân sự có yếu tố nước ngoài cần lưu ý đến quy định “không thay đổi thẩm quyền giải quyết của Tòa án” (Điều 412 BLTTDS).
• Trường hợp khi xác định thuộc thẩm quyền của Tòa chuyên trách nào sẽ do Chánh án quyết định và việc đã thụ lý rồi mới phát hiện thuộc thẩm quyền Tòa chuyên trách khác thì Tòa chuyên trách đã thụ lý vẫn tiếp tục giải quyết cũng áp dụng với việc dân sự (điểm d tiểu mục 1.1, mục 1 phần I NQ số 01/2005 NQ-HĐTP).
• Lưu ý đến “thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam” đối với những việc dân sự có yếu tố nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 411 BLTTDS.
• Thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án giải quyết việc dân sự được quy định rất cụ thể tại khoản 2 Điều 35 BLTTDS.
• Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của người yêu cầu được quy định tại khoản 2 Điều 36 BLTTDS
2.3. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 169)
• BLTTDS (Điều 179)
• BLTTDS (Điều 189)
• BLTTDS (Điều 311)
• Nghị quyết số 01/20005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của HĐTP TANDTC(Mục7,phần I)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Những việc dân sự đã có quy định thủ tục giải quyết cụ thể tại BLTTDS (như yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, công nhận quyết định của Trọng tài nước ngoài…) thì áp dụng quy định của BLTTDS.
• Đối với những việc dân sự chưa có quy định thủ tục giải quyết cụ thể (như yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật..) thì áp dụng các quy định của Bộ luật TTDS về giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự (theo tinh thần quy định tại Điều 311 BLTTDS).
• Việc dân sự không có bị đơn, nhưng có “người liên quan“. Người có liên quan nói ở đây là người liên quan đã tham gia tố tụng với người có đơn yêu cầu chứ không phải là người có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp có đơn yêu cầu (như quy định ở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết…)
• Việc dân sự là việc không có tranh chấp (điều 311 BLTTDS) do vậy, về nguyên tắc, không có thủ tục hòa giải, không có thủ tục phản tố.
• Việc thông báo thụ lý vụ án cho người có liên quan không trái với quy định của Chương XX nên vẫn được thực hiện như Điều 174, Điều 175 BLTTDS. Tuy nhiên, nếu người có liên quan có tranh chấp với người có đơn yêu cầu thì phần tranh chấp đó không thể được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự.
Ví dụ: Vợ chồng A và B thuận tình ly hôn và cùng thỏa thuận mỗi người trả một nửa số nợ 10.000.000 đồng của ông C. Nhưng khi được thông báo, ông C cho rằng vợ chồng A và B nợ ông 20 triệu chứ không phải 10 triệu thì quan hệ nợ phải được tách ra giải quyết ở vụ án khác.
• Về thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu: Trong phần những quy định chung về thủ tục giải quyết việc dân sự không có quy định về thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu. Vì vậy, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu được áp dụng theo quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 179 BLTTDS, trừ những việc dân sự đã có quy định riêng (ví dụ: thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú là 20 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu - khoản 1 Điều 325 BLTTDS).
• Các quyết định mà Tòa án có thể ra trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu
- Trừ những việc đã có quy định riêng thì Tòa án áp dụng các quy định về chuẩn bị xét xử, trong đó có việc yêu cầu người gửi đơn bổ sung hay sửa đổi đơn yêu cầu (căn cứ vào Điều 169 và Điều 79 BLTTDS).
- Tạm đình chỉ giải quyết việc dân sự (căn cứ vào Điều 189).
- Đình chỉ giải quyết việc dân sự (căn cứ vào Điều 192 BLTTDS).
- Trường hợp các bên có yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 28 của BLTTDS, nhưng trong giai đoạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, một hoặc các bên có sự thay đổi (một phần hoặc toàn bộ) dẫn đến tranh chấp thì được coi như đương sự rút đơn yêu cầu. Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự, áp dụng Điều 311 và điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS (quy định tại tiểu mục 7.2, mục 7, phần I, NQ số 01/2005 NQ-HĐTP).
- Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự. Nội dung quyết định này áp dụng tương tự nội dung “quyết định đưa vụ án ra xét xử” quy định tại Điều 195 BLTTDS.
2.4. Những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự
2.4.1. Về thành phần giải quyết việc dân sự
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 55)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Việc giải quyết yêu cầu công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (khoản 5 Điều 26, khoản 6 Điều 28, khoản 2, 3 Điều 30, Điều 32) do Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán giải quyết (khoản 1 Điều 55 BLTTDS).
• Việc giải quyết các phần liên quan đến Trọng tài Thương mại Việt Nam (khoản 1 Điều 30 BLTTDS) thì thành phần giải quyết tuân theo pháp luật về Trọng tài thương mại (khoản 3 Điều 55 BLTTDS).
• Các việc dân sự khác ngoài 2 loại việc nêu ở trên do một Thẩm phán giải quyết (khoản 2 Điều 55 BLTTDS).
2.4.2. Về sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKS)
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Khoản 2 Điều 21)
• BLTTDS (Điều 313)
• Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01-9-2005 (trong mục này viết tắt là Nghị quyết số 03/2005) (mục 3, phần I).
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• VKS tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự đối với tất cả các loại việc dân sự (khoản 2 Điều 21 BLTTDS).
• Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp (khoản 2 Điều 313 BLTTDS).
• Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự phải được gửi ngay cho VKS cùng cấp cùng hồ sơ việc dân sự. VKS phải trả lại hồ sơ cho Tòa án sau thời hạn nghiên cứu là 7 ngày (khoản 1 Điều 313).
2.4.3. Về sự có mặt của những người tham gia tố tụng
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Khoản 3 Điều 313)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện của họ “phải tham gia phiên họp”. Hậu quả sự vắng mặt của họ được quy định giống như sự vắng mặt của nguyên đơn tại phiên tòa (khoản 3 Điều 313 BLTTDS).
• Người có liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ “được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp”. Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người phiên dịch, người giám định. Theo quy định tại khoản 4 thì việc hoãn phiên họp hay vẫn tiến hành phiên họp khi có người vắng mặt do Tòa án quyết định. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 20 thì phải có người phiên dịch trong trường hợp người tham gia tố tụng sử dụng tiếng dân tộc của họ và không phải là tiếng Việt.
2.5.Thủ tục tiến hành phiên họp
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 314)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Tại phiên họp phải có Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp.
• “Quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu giải quyết việc dân sự” đã được quy định là một phần của phiên họp (điểm h, khoản 1, Điều 314). Do vậy, nói chung là quyết định giải quyết việc dân sự phải được ra ngay tại phiên họp.
• Tòa án cũng có quyền áp dụng những quy định cụ thể về phiên tòa khi tiến hành phiên họp theo tinh thần quy định tại Điều 311 và cũng chỉ được thực hiện trong giới hạn những quy định của BLTTDS. Ví dụ: Việc kéo dài thời gian ra quyết định không dài hơn thời gian nghị án quy định ở khoản 5 Điều 236 (5 ngày làm việc); việc sửa chữa, bổ sung quyết định không được vượt quá quy định tại Điều 240 BLTTDS về sửa chữa, bổ sung bản án.
• Quyết định giải quyết việc dân sự được quy định tại Điều 315 BLTTDS.
2.6. Kháng cáo, kháng nghị, thủ tục phúc thẩm việc dân sự
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 280)
• BLTTDS (Điều 318)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Người yêu cầu và người có liên quan đều được kháng cáo và thời hạn kháng cáo là 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp họ không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được quyết định hoặc quyết định đã được niêm yết, thông báo.
• Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp là 7 ngày, của VKS cấp trên là 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định.
• Thủ tục phúc thẩm quyết định giải quyết việc dân sự bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 318 dẫn chiếu đến Điều 280 BLTTDS) được thực hiện như thủ tục phúc thẩm quyết định của Tòa án sơ thẩm về vụ án dân sự.

3. Thủ tục giải quyết một số việc dân sự
3.1. Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự .
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 319)
• BLTTDS (Điều 323)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Kèm theo đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (khoản 2 Điều 319 BLTTDS)
• Kèm theo đơn yêu cầu tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có chứng cứ để chứng minh người đó nghiện ma túy hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình (khoản 4 Điều 319 BLTTDS).
• Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; hết thời hạn đó Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu (khoản 1 Điều 320 BLTTDS).
• Trường hợp có yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định thì khi có kết quả trưng cầu giám định phải ra quyết định mở phiên họp ngay (khoản 2 Điều 320 BLTTDS).
• Phiên họp phải mở trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp (khoản 4 Điều 320 BLTTDS).
• Khi quyết định tuyên bố một người hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải quyết định người đaị diện theo pháp luật và phạm vi đại diện (khoản 2 Điều 321 BLTTDS).
• Đơn yêu cầu hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có thể do chính người đó hoặc những người, tổ chức có liên quan yêu cầu (Điều 322 BLTTDS). Thời hạn chuẩn bị xét đơn được thực hiện theo quy định tại Điều 320 BLTTDS.
3.2. Thủ tục giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 324)
• BLTTDS (Điều 329)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Chứng cứ bắt buộc kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ chứng minh người đó biệt tích trong 6 tháng liền trở lên (Điều 324 BLTTDS).
• Có thể yêu cầu áp dụng biện pháp quản lý tài sản và khi có yêu cầu đó phải cung cấp tài liệu về tình hình tài sản, việc quản lý và danh sách những người thân thích (Điều 324 BLTTDS).
• Thời hạn chuẩn bị xét đơn là 20 ngày và phải mở phiên họp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có quyết định mở phiên họp.
• Nếu chấp nhận yêu cầu thì đồng thời với việc ra quyết định chấp nhận đơn yêu cầu, Tòa án ra thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú (Điều 326). Thông báo tìm kiếm phải có nội dung theo quy định tại Điều 327 BLTTDS.
• Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú phải được đăng báo hàng ngày trong 3 số liên tiếp và phát sóng trên đài trung ương 3 lần trong 03 ngày liên tiếp.
• Quyết định thông báo tìm kiếm đương nhiên hết hiệu lực khi người cần tìm kiếm trở về (Điều 329 BLTTDS).
3.3.Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Các điều 331, 332, 333, 334)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Quy định chứng cứ bắt buộc cho thủ tục này là chứng cứ chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích “đã biệt tích 2 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết” và chứng minh cho việc “người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm”.
• Khác với thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú, thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố mất tích cũng có việc thông báo (được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 327 và Điều 328 BLTTDS) nhưng là thông báo trước khi mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thụ lý, Toà án phải ra quyết định thông báo tìm kiếm và thời hạn thông báo là 4 tháng.
• Yêu cầu huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích được quy định giải quyết như một việc dân sự mới và do Toà án đã ra quyết định tuyên bố mất tích giải quyết (Toà án đã giải quyết sơ thẩm trước đây).
3.4.Thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Các điều 335, 336, 337, 338, 339)
• BLDS (Các điều 91, 92)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Quy định về chứng cứ bắt buộc xuất trình với thủ tục này là các chứng cứ để chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 91 Bộ luật Dân sự.
• Thủ tục này không có hình thức thông báo tìm kiếm mà Toà án căn cứ vào các quy định tại Điều 91 nêu trên.
• Đồng thời với việc chấp nhận yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, Toà án phải xác định ngày chết và hậu quả pháp lý theo quy định tại Điều 91 và Điều 92 Bộ luật Dân sự.
• Thủ tục huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết cũng được quy định giải quyết như một việc dân sự mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét