3. Thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
3.1. Thủ tục giám đốc thẩm
3.1.1. Tính chất của giám đốc thẩm
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 282)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt, chỉ được tiến hành khi có kháng nghị giám đốc thẩm. Đó là đặc điểm khác biệt so với các thủ tục xét xử thông thường như sơ thẩm (đương nhiên được thực hiện khi có khởi kiện hợp pháp của đương sự), phúc thẩm (đương nhiên được thực hiện khi có kháng cáo hợp pháp của đương sự hoặc các kháng nghị của Viện kiểm sát). Các Thẩm phán không tham gia trực tiếp giám đốc thẩm cũng có thể tham gia vào trình tự giám đốc công tác xét xử bằng việc phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm.
• Đối tượng của việc kháng nghị giám đốc thẩm chỉ là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
• Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bao gồm:
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;
- Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
• Kháng nghị và giám đốc thẩm là cơ chế nhằm khắc phục sai lầm nghiêm trọng của Tòa án trong việc giải quyết vụ án mà bản án, quyết định đó đã có hiệu lực. Vì vậy, cấp giám đốc thẩm không phải là cấp xét xử thứ 3 sau sơ thẩm và phúc thẩm.
3.1.2. Kháng nghị giám đốc thẩm
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 283 )
• BLTTDS (Điều 290)
• Công văn số 218/2005/KHXX ngày 29-9-2005 của Tòa án nhân dân tối cao
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm (Điều 285 BLTTDS)
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ bị hạn chế không được kháng nghị đối với quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chỉ có quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc địa hạt tỉnh ấy.
• Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm (Điều 288 BLTTDS)
- Thời hạn kháng nghị là 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Đối với bản án, quyết định dân sự có hiệu lực trước ngày BLTTDS có hiệu lực (01-01-2005) thì áp dụng quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của các văn bản pháp luật tố tụng trước khi có BLTTDS có hiệu lực; cụ thể là:
+ Đối với bản án, quyết định dân sự và hôn nhân và gia đình thì thời hạn kháng nghị là ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; việc kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự nào thì không bị hạn chế về thời gian;
+ Đối với bản án, quyết định kinh doanh, thương mại, bản án, quyết định kinh tế thì thời hạn kháng nghị chỉ là chín tháng, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật;
+ Đối với bản án, quyết định lao động thì thời hạn kháng nghị chỉ là sáu tháng, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; việc kháng nghị có lợi cho người lao động thì thời hạn đó là một năm.
• Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm (Điều 283 BLTTDS)
- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 283 BLTTDS;
- Cần chú ý là có loại đối tượng kháng nghị giám đốc thẩm bị hạn chế về căn cứ kháng nghị như quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự quy định chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (khoản 2 Điều 188 BLTTDS) nhưng nếu có vi phạm nghiêm trọng khác (như vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng) vẫn có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (tham khảo Công văn số 218/2005/KHXX ngày 29-9-2005 của Tòa án nhân dân tối cao);
- Cũng cần chú ý là quy định về nghĩa vụ chứng minh và thu thập chứng cứ trong BLTTDS đã có đổi mới căn bản so với quy định của pháp luật tố tụng trước đó nên quy định về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm hiện nay không còn căn cứ "Việc điều tra không đầy đủ" như trước đây.
• Phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm:
- Việc phát hiện những vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không phải chỉ là quyền của các đương sự trong vụ án đó, mà cá nhân, cơ quan, tổ chức khác cũng có quyền phát hiện và thông báo bằng văn bản cho người có quyền kháng nghị (khoản 1 Điều 284 BLTTDS);
- Đối với Tòa án và Viện kiểm sát thì việc thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật còn là nghĩa vụ (khoản 2 Điều 284 BLTTDS);
- Theo tinh thần quy định tại Điều 5 BLTTDS về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, Điều 296 về phạm vi giám đốc thẩm thì tuy nhiều người có quyền phát hiện vi phạm nhưng sẽ chỉ có kháng nghị nếu có khiếu nại, yêu cầu của đương sự trừ trường hợp đương sự không có khả năng thực hiện việc khiếu nại hoặc có xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án;
- Đơn vị chức năng giúp việc cho người có quyền kháng nghị có thể có cả Thẩm phán (giúp cho Chánh án) nhưng không nên để Thẩm phán đã tham gia vào việc kháng nghị lại tham gia Hội đồng xét xử giám đốc thẩm để đảm bảo việc xét xử khách quan, chính xác.
• Phạm vi của kháng nghị quyết định phạm vi xét xử giám đốc thẩm ; do đó, kháng nghị không chỉ nêu ra một hay một số vi phạm, sai lầm mà phải là tất cả những vi phạm, sai lầm của bản án, quyết định bị kháng nghị; người đã kháng nghị giám đốc thẩm có quyền thay đổi, bổ sung quyết định kháng nghị trong thời hạn kháng nghị; rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị trước hoặc tại phiên tòa giám đốc thẩm.
3.1.3. Chuẩn bị phiên tòa giám đốc thẩm
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (các điều 290, 291, 292, 293, và 294)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm không những phải gửi ngay cho các đương sự và cơ quan thi hành án mà còn cho Tòa án đã ra bản án, quyết định bị kháng nghị và đặc biệt là phải gửi cho cả những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị.
• Hồ sơ vụ án bị kháng nghị phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp cùng với kháng nghị của Chánh án. Thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
• Thẩm quyền giám đốc thẩm:
- Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng nghị;
- Các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân tối cao (Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động) giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng nghị;
- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án, quyết định của các Tòa Phúc thẩm và các Tòa chuyên trách khác của Tòa án nhân dân tối cao;
- Trường hợp những bản án, quyết định về cùng một vụ án nhưng thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp Tòa án khác nhau thì Tòa án có thẩm quyền cấp trên giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
• Phiên tòa giám đốc thẩm phải được mở trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm nhận được kháng nghị.
• Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán làm bản thuyết trình về vụ án tại phiên tòa. Đối với các Tòa chuyên trách thì Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán nên Thẩm phán được phân công làm bản thuyết trình thường đồng thời là chủ tọa phiên tòa. Bản thuyết trình chỉ tóm tắt nội dung vụ án, các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng nghị (không đòi hỏi phải có ý kiến của người làm bản thuyết trình) và phải được gửi cho các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm chậm nhất là bảy ngày, trước ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm.
3.1.4. Thủ tục phiên tòa giám đốc thẩm
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 54)
• BLTTDS (Điều 295 )
• BLTTDS (các điều 301, 302, và 303)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Những người tham gia phiên tòa
- Phiên tòa giám đốc thẩm có Chủ tọa phiên tòa, Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên tòa, Thành viên Hội đồng xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 54 BLTTDS;
- Tất cả các phiên tòa giám đốc thẩm đều phải có sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Những người tham gia tố tụng có thể được triệu tập tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, nếu xét thấy cần thiết;
- Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm còn có những "người khác" được Tòa án triệu tập. "Người khác" có thể là người không phải là đương sự trong vụ án nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc xét nội dung kháng nghị. Bộ phận giúp việc cho người kháng nghị thường được triệu tập vì kháng nghị trở thành một đối tượng xem xét của Hội đồng giám đốc thẩm, các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho kháng nghị cần được giải trình khi Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết.
• Phiên tòa giám đốc thẩm được tiến hành như sau:
- Khai mạc và giới thiệu những nội dung đã được chuẩn bị trước khi mở phiên tòa (khoản 1 Điều 295 BLTTDS) bao gồm: Chủ tọa khai mạc phiên tòa; một thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm trình bày Bản thuyết trình về vụ án; đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về quyết định kháng nghị;
- Trường hợp có người tham gia tố tụng hoặc người khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa thì họ được trình bày ý kiến; đại diện Viện kiểm sát trình bày ý kiến về quyết định kháng nghị;
- Các thành viên của Hội đồng giám đốc thẩm thảo luận về vụ án (khoản 3 Điều 295 BLTTDS). Kết thúc giai đoạn này là ý kiến của đại diện Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án;
- Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án (khoản 4 Điều 295 BLTTDS).
+ Khi biểu quyết phải được quá nửa tổng số thành viên của Uỷ ban Thẩm phán hoặc Hội đồng Thẩm phán (không phải là số thành viên có mặt) biểu quyết tán thành;
+ Trình tự biểu quyết là tán thành, không tán thành với kháng nghị và ý kiến khác. Nếu không có trường hợp nào đạt được biểu quyết có hiệu lực thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hoãn phiên tòa phải tiến hành xét xử lại với sự tham gia của đầy đủ các thành viên;
+ Đối với Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có ba Thẩm phán thì biểu quyết theo đa số
• Phiên tòa giám đốc thẩm không có giai đoạn nghị án riêng. Đại diện Viện kiểm sát được có mặt tại phiên tòa ngay cả khi Hội đồng giám đốc thẩm thảo luận và biểu quyết. Riêng những người là đương sự hoặc không phải là người thuộc bộ phận giúp việc cho người kháng nghị hoặc cho Hội đồng giám đốc thẩm thì chỉ được tham gia phát biểu tại phiên tòa trong giai đoạn 1 và 2 (giai đoạn khai mạc và thu thập, xác minh, xem xét chứng cứ tại phiên tòa).
• Quyết định giám đốc thẩm phải được gửi cho những người, cơ quan quy định tại Điều 303 BLTTDS trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày ra quyết định. Hình thức và nội dung Quyết định giám đốc thẩm được quy định tại Điều 301 BLTTDS (tương tự như bản án)
3.1.5. Phạm vi giám đốc thẩm
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 296)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Hội đồng giám đốc thẩm chỉ xem xét phần quyết định của bản án, quyết định bị kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng nghị.
• Phần quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị chỉ được xem xét lại khi phần quyết định đó xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước hoặc xâm phạm lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự trong vụ án.
3.1.6 Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Các điều 297, 298, 299, và 300 )
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
• Giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc sửa. Quyền hạn này được quy định cụ thể tại Điều 298 BLTTDS (tất nhiên bao gồm cả việc hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị).
• Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại (Điều 299 BLTTDS)
- Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định;
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật;
- Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm không đúng quy định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.
• Cần lưu ý:
- Nếu quyết định giao xét xử phúc thẩm lại thì chỉ tuyên bố hủy bản án hay quyết định phúc thẩm bị kháng nghị; nếu giao xét xử sơ thẩm lại thì phải hủy cả bản án, quyết định phúc thẩm bị kháng nghị và cả bản án, quyết định sơ thẩm.
- Quyết định giám đốc thẩm cũng phải quyết định rõ tòa án nào được giao xét xử sơ thẩm hay phúc thẩm lại. Tòa án được giao giải quyết lại vụ án không được chuyển cho Tòa án khác giải quyết nếu không có những căn cứ mới.
• Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án. Quyền hạn này được quy định cụ thể tại Điều 300 BLTTDS và dẫn chiếu đến các căn cứ quy định tại Điều 192 BLDS.
3.2. Thủ tục tái thẩm
3.2.1 Tính chất của tái thẩm
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 304)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Tái thẩm cũng là thủ tục đặc biệt, chỉ được thực hiện khi có kháng nghị tái thẩm.
• Đối tượng của kháng nghị tái thẩm là bản án, quyết định đã có hiệu lực nhưng không phải do Tòa án đã sai lầm khi xét xử mà do mới phát hiện được tình tiết quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa đối tượng của việc kháng nghị tái thẩm với đối tượng của việc kháng nghị giám đốc thẩm.
3.2.2. Kháng nghị tái thẩm
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 305)
• BLTTDS (Điều 308)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Người có quyền kháng nghị tái thẩm được quy định như người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm.
• Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
- Căn cứ để có thể kháng nghị tái thẩm được quy định tại Điều 305 BLTTDS. Đó đều là những tình tiết mới được phát hiện sau khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
- Đòi hỏi của quy định này là "Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó", tất nhiên là phải trừ chính những người tạo ra các tình tiết ấy. (Ví dụ: người tạo ra chứng cứ giả mạo thí chính họ phải biết về sự kiện giả mạo chứng cứ ấy ngay từ khi tạo ra).
• Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
- Thời hạn là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị.
- Những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trước ngày BLTTDS có hiệu lực thì áp dụng thời hạn kháng nghị tái thẩm theo quy định của các văn bản pháp luật tố tụng trước khi Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực (trước 01-01-2005), cụ thể như sau:
+ Thời hạn kháng nghị tái thẩm đối với các vụ án dân sự và hôn nhân và gia đình là một năm, kể từ ngày phát hiện được những tình tiết mới quan trọng (cũng được hiểu là từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm biết được những tình tiết ấy). Việc kháng nghị theo hướng không gây thiệt hại cho bất cứ đương sự nào không bị hạn chế về thời gian.
+ Thời hạn kháng nghị tái thẩm đối với các vụ án kinh doanh, thương mại (các vụ án kinh tế) là một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
+ Thời hạn kháng nghị tái thẩm đối với các tranh chấp lao động là sáu tháng, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; nếu việc kháng nghị có lợi cho người lao động thì thời hạn đó là một năm.
3.2.3. Chuẩn bị và thủ tục phiên tòa tái thẩm; phạm vi tái thẩm
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 310)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Chuẩn bị phiên tòa tái thẩm, thủ tục phiên tòa tái thẩm, phạm vi tái thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều tương ứng của BLTTDS (Điều 310 BLTTDS).
• Khi tiến hành các công việc này cần tham khảo các tiểu mục 3.1.3, 3.1.4 và 3.1.5. mục 3.1 Phần III này.
3.2.4. Thẩm quyền của Hội đồng tái thẩm
Văn bản quy phạm pháp luật
• BLTTDS (Điều 309)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
• Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật (bao gồm cả sơ thẩm, nếu có) để xét xử sơ thẩm lại. Cần lưu ý là thủ tục tái thẩm không có việc giao xét xử phúc thẩm lại.
• Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét